Mo Salah – ‘hoàng tử Ai Cập’ lớn lên từ bi kịch bị Chelsea chối bỏ
“Salah rời Anh khi còn là một cậu bé, và trở lại khi đã là một người đàn ông”, đấy là lời nhận định của Juergen Klopp dành cho cậu học trò Mohamed Salah. Sự nghiệp của Salah, như cách ông thầy miêu tả, là một hành trình vươn lên không ngừng, và khởi đi từ những giọt nước mắt.
Salah khởi nghiệp ở tuyến trẻ của CLB Al-Mokawloon, ở vị trí hậu vệ cánh trái trong sơ đồ 3-5-2 khi ấy rất được ưa chuộng ở Ai Cập. Có lẽ thế giới đã có thêm một hậu vệ trái đẳng cấp nếu như không có một sự kiện diễn ra trong trận đấu ở giải U17 Ai Cập.
Hôm ấy, Al-Mokawloon giành thắng lợi 4-0 trước ENPPI. Trong phòng thay quần áo, khi các cậu bé vui mừng, mình Salah, với chiếc áo số 3 trên lưng, thì ngồi khóc. Bởi… anh không ghi được bàn nào. Đấy là lúc HLV của Salah nhận ra học trò nhí có khát vọng ghi bàn lớn đến mức nào. Và từ cánh trái, Salah được dời đến những vị trí gần khung thành hơn.
Kết quả đến rất nhanh chóng khi Salah kết thúc mùa giải ở lứa U17 ấy với 35 bàn. Salah từng là một cầu thủ chơi rất cá nhân. Khi có bóng, anh chỉ muốn dốc thật nhanh đến khung thành và dứt điểm. Nhưng sự cầu thị, khiêm tốn giúp anh ngày một hoàn thiện hơn.
Bob Bradley, cựu HLV đội tuyển Mỹ và Swansea City, là người triệu tập Salah lên đội tuyển Ai Cập lần đầu (năm 2011). Ông nói trên Independent: “Ngay từ những ngày đầu lên tuyển, tốc độ và sự bùng nổ của cậu ấy đã không ai sánh kịp. Nhưng điều quan trọng nhất là Salah luôn muốn mình hay hơn ngày hôm qua. Cậu ấy rút ra bài học rất nhanh sau mỗi trận đấu và tập dứt điểm rất siêng năng”.
Nhưng suốt những năm tuổi trẻ, Salah cũng đồng thời là con người rất háo thắng. Ngay những năm 16, 17 tuổi, Salah đã nói với những người xung quanh: mục tiêu của anh là Ngoại hạng Anh, là Anh quốc. Năm 20 tuổi, Salah háo hức lên đường sang Basel vì biết đó là nấc thang gần hơn đưa anh đến xứ sở sương mù.
Trong hai trận đấu với Chelsea ở Champions League mùa 2013-2014, Salah đều ghi bàn. Hai trận ấy, Salah gần như không chuyền bóng cho ai. Cứ có bóng là dốc thẳng vào hàng thủ đối phương để tìm cách dứt điểm. Chỉ vài tháng sau, Salah sang Chelsea trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa.
Tốc độ và kỹ thuật của Salah khiến tất cả cầu thủ Chelsea phải ngưỡng mộ. Đến cả một kỹ thuật gia như Eden Hazard mà còn phải thán phục. Nhưng vì Salah là một sản phẩm của Giám đốc thể thao Michael Emelano, nên Mourinho không thực sự mặn mà. Cũng chính Mourinho sau đó đã đẩy anh sang Fiorentina. “Anh ấy chưa bao giờ có cơ hội để chứng minh bản thân khi ở đây,” Hazard phát biểu trước cuộc hội ngộ với Salah hôm nay, đồng thời cho biết sẽ xin đổi áo với đồng đội cũ.
Salah mang sự hậm hực khi rời Chelsea sang Serie A. Khi Fiorentina đấu với Tottenham tại Europa League vào tháng 2/2015, Salah đã mừng bàn thắng cảm xúc hơn mọi khi. Ahmad El-Sayed, một cựu tuyển thủ Ai Cập, nói: “Cách ăn mừng khác thường cho thấy anh ấy vẫn còn bị ám ảnh bởi bóng đá Anh. Salah muốn chứng tỏ cho mọi người thấy anh ấy biết cách hạ những hàng phòng ngự Anh, như từng làm tại Basel ngày trước”.
Nhưng bóng đá Italy thực sự đã mở mắt cho Salah. Những hàng phòng ngự ở Serie A buộc Salah phải thay đổi cách nhìn về bóng đá, buộc anh phải tiết chế trong lừa bóng và chơi dựa vào đồng đội nhiều hơn. Khi Salah rời khỏi Fiorentina, anh đã thật sự chinh phục được các CĐV ở đây. Người Florence lấy tên anh đặt cho một loại bánh pizza. Hai mùa bóng tiếp theo ở AS Roma, Salah tiếp tục tiến bộ, và Các CĐV gọi anh là “Messi của xứ Kim Tự tháp”.
https://www.youtube.com/watch?v=ahUwULHFSTU
Khi Liverpool đề nghị chuyển nhượng, Salah sốt sắng trở lại. Nhưng lúc này, khát vọng chứng tỏ cho bóng đá Anh thấy mình là ai đã không còn nữa. Thay vào đó, Salah chỉ toát lên sự điềm đạm của “một người đàn ông”, mà ông thầy Klopp mô tả.
So với gần ba năm về trước, Salah cũng đã trưởng thành hơn khi đã lập gia đình và có con. Trên sân cỏ, anh là một người đàn ông thực thụ vì biết gánh cả giang sơn trên vai. Bảy bàn mà Ai Cập ghi được để lấy vé đến Nga đều in dấu giày của Salah (ghi năm bàn, kiến tạo hai bàn). Anh, bất chấp áp lực khủng khiếp ở ít phút bù giờ, ghi quả 11 mét vào quyết định lưới CH Congo, ấn định thắng lợi 2-1 cùng tấm vé dự World Cup 2018.
Hazem Emam, người từng có 87 lần khoác áo đội tuyển Ai Cập, tri ân người đàn em xuất chúng: “Khi thế hệ chúng tôi giành vé dự World Cup 1990 ở Italy, đấy là công sức của cả một tập thể. Còn tấm vé đến Nga 2018 là do Salah nhét vào túi của Ai Cập”.
Và người đàn ông thực thụ ấy chưa bao giờ quên cội nguồn của anh. Thị trưởng Maher Shetia của Nagrig, ngôi làng tại tỉnh Gharbiya (phía bắc Cairo) gọi Salah là anh hùng của cộng đồng. Vì anh lập ra quỹ từ thiện để xây trường học, tu bổ lại bệnh viện. Sau khi Salah sút thành công quả phạt đền quyết định, mang Ai Câp đến World Cup 2018, ngôi trường cấp ba ngày trước Salah từng đi học đã được đổi sang tên anh.
Salah vốn không phải là một học sinh giỏi giang, như chính anh thừa nhận. “Thực chất, ngày ấy tôi đến trường chỉ vì được chơi bóng đá,” Salah nói với Telegraph. Và đội bóng cấp ba trường anh đã hai lần vô địch những giải đấu dành cho học sinh, sinh viên toàn Ai Cập. Cái tên Mohamed Salah đã được truyền thông chú ý ngay từ những ngày ấy.
Năm 2013, Salah thành hôn với nàng thơ của đời anh, Magi. Khách mời sơ sơ có… 2.000 người, và những người trong làng Nagrig đều có thiệp mời, biến hôn lễ của Salah trở thành một sự kiện của cộng đồng.
Giới truyền thông theo Salah rất sát. Báo lá cải từng công kích anh rất nặng vì hôn một nữ phóng viên thời gian thi đấu cho Basel. Họ cũng làm quá lên vụ Salah muốn hoãn nghĩa vụ quân sự thời gian thi đấu cho Chelsea. Khi các bộ trưởng cũng phải vào cuộc, với kết quả Salah được hoãn nghĩa vụ để tiếp tục thi đấu cho Chelsea, báo chí Ai Cập đã gọi sự việc này là “đạo luật Mohamed Salah”. Vì thế, Salah chỉ thật sự cảm thấy an toàn ở trên mảnh đất quê hương Nagrig.
Một doanh nhân ở đây đã hào phóng tặng cho Salah một căn biệt thự hạng sang để anh lưu lại mỗi khi về quê, nhưng Salah nhờ vị này quy nó ra tiền rồi quyên cho chương trình nhà ở mà anh đang xúc tiến. Người em họ Abadah Saeed Ghali của Salah kể mỗi lần trở lại quê hương, anh vẫn đi bộ ngoài đường, chụp hình với những ngời quen cũ, không hề có một chút xa cách nào.
Khi thi đấu cho Fiorentina, Salah chọn số áp 74, để tưởng niệm 74 CĐV Al Ahly (Ai Cập) thiệt mạng tại sân Port Said sau cuộc loạn đả với CĐV của đội đối thủ Al Masry. Đấy là một chương đen tối trong lịch sử bóng đá Ai Cập, khiến FIFA cấm cửa giải vô địch nước này trong một thời gian.
Bây giờ, mỗi bước đi của Salah đều được người dân Ai Cập hết sức lưu tâm. Trận đại chiến giữa Chelsea và Liverpool đêm nay không là ngoại lệ. Người dân quê hương Nagrig nói riêng và đất nước Ai Cập nói chung luôn muốn nói với Salah câu slogan mà anh vẫn thấy mỗi khi bước vào Anfield:
“You’ll never walk alone, tức “Anh sẽ không bao giờ phải độc bước”.